Những ngộ nhận về marketing

Marketing là một trong những chủ đề hấp dẫn nhất trong thế giới kinh doanh suốt nhiều thập kỷ qua. Có rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực marketing. Tuy nhiên, có không ít người hiểu sai về lĩnh vực này. Hôm nay mình sẽ chỉ ra cho các bạn biết một số ngộ nhận thường thấy nhưng lại rất nguy hiểm về lĩnh vực này.

Giỏi quảng cáo google, facebook, seo,… là giỏi marketing?

Thú thật với các bạn là, mình chuyên về digital marketing. Mình vừa có chuyên môn về kỹ thuật và marketing. Mình hiểu được tầm quan trọng của digital marketing trong thế giới marketing. Nhưng thật lòng phải thừa nhận là một trong những vấn đề lớn nhất của ngành marketing trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay là có quá nhiều digital marketer không hiểu những nguyên lý cơ bản trong marketing.

Họ tập chạy google ads, facebook ads và làm SEO các kiểu và sau đó tự cho rằng mình giỏi marketing. Họ không hiểu những vấn đề cơ bản trong marketing. Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí còn không hiểu nguyên tắc hoạt động của google và facebook.

Xem clip thay vì đọc bài viết?

Đồng ý là ngày nay người dùng dành phần lớn thời gian cho việc tương tác với các kênh trực tuyến. Đồng ý là digital marketing là một công cụ mạnh. Nhưng các bạn cần phân biệt giữa tư duy và công cụ. Tư duy quan trọng hơn nhiều so với công cụ. Và tư duy phải luôn đi trước công cụ. Người có tư duy marketing tốt sẽ tiếp cận các công cụ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Người có tư duy tốt cũng luôn biết cách phát huy hết thế mạnh của các công cụ. Ngược lại, người thiếu tư duy, nhưng cố gắng học sử dụng công cụ thì cuối cùng cũng chỉ đạt đến trình độ của một người công nhân lành nghề thôi.

Marketing là quảng cáo, là bán hàng,…?

Có một điều tưởng chừng rất vô lý nhưng lại khá phổ biến là nhiều người làm marketing nhưng không hiểu đúng bản chất và mục đích của marketing. Marketing không phải là quảng cáo. Marketing càng không phải là bán hàng. Bản chất của marketing là quá trình tạo ra giá trị cho khách hàng, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.  

Mình chắc với các bạn là, một người làm marketing mà không hiểu đúng bản chất của marketing thì sẽ không thể làm tốt công việc của mình được.

Mình kể cho các bạn nghe câu chuyện này để minh chứng cho việc đó. Mình nhớ cách đây một khoảng hơn 1 năm, mình có tổ chức một mini game trên facebook, theo đó, mình sẽ dành 2 suất học bổng toàn phần cho khóa học CHUYÊN GIA INTERNET MARKETING bên công ty WMS của mình, dành cho 2 bạn đưa ra được định nghĩa đơn giản, dễ hiểu, nhưng “thường thức” và đúng bản chất của marketing. Kết quả mình chọn được 2 bạn, một bạn sinh viên của Đại học Mở, một bạn sinh viên của Hoa Sen. Hai bạn đưa ra được định nghĩa mô tả khá đúng bản chất của marketing, nhưng lại đơn giản và dễ liên tưởng. Trong đó, bạn sinh viên của Đại học Mở đưa ra định nghĩa mà mình rất thích, vì nó rất giống định nghĩa của mình.

Và các bạn biết sao không? Mình quan sát 2 bạn này trong khi tham gia khóa học, rồi sau đó là làm việc bên ngoài, mình thấy 2 bạn đều làm việc tốt và thăng tiến nhanh. Điều đó nói lên điều gì? Điều đó nói lên vấn đề quan trọng là: Nếu các bạn hiểu đúng bản chất của marketing thì các bạn sẽ là tốt nó! Còn ngược lại, thì bạn sẽ chỉ tiêu tốn tiền của doanh nghiệp mà thôi!

Marketing không phù hợp với người hướng nội

Rất nhiều người nghĩ rằng người hướng nội không phù hợp với nghề marketing. Họ cho rằng chỉ những người hướng ngoại mới phù hợp với marketing. Quan niệm này thật sự rất sai các bạn à. Bản thân mình là người cực kỳ hướng nội đây!

Trước tiên, mình xin làm rõ sự khác biệt giữa người hướng nội và hướng ngoại, vì mình thấy có rất nhiều người hiểu không đúng về 2 kiểu tính cách này.

  • Người hướng ngoại là người thích gặp gỡ và giao tiếp với người khác. Họ thích đám đông, thích sự ồn ào và sự náo nhiệt. Người hướng ngoại hay có xu hướng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của mình với người khác. Nói vui (nhưng thực tế) là người hướng ngoại là người thích nói.
  • Ngược lại, người hướng nội thì có xu hướng thích làm việc một mình, hoặc theo nhóm nhỏ, Họ không thích đám đông, không thích sự ồn ào và náo nhiệt. Họ cũng ít có xu hướng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ hay quan điểm của mình với người khác. Thông thường người hướng nội có một tính cách khá hay, đó là hay lắng nghe.

Và những phẩm chất cần thiết cho sự thành công trong marketing nói riêng thì lại rất ít liên quan tới 2 kiểu tính cách này các bạn. Mà nó liên quan tới sự nhiệt huyết và đam mê trong công việc, sự năng động, nền tảng tư duy, tinh thần và khả năng học hỏi. Một người hướng nội hoàn toàn có thể có những phẩm chất này. Ngược lại, một người hướng ngoại hoàn toàn có thể thiếu đi những phẩm chất này.

Một điểm nữa mà mình thấy rất nhiều người hiểu sai, đó là sự năng động. Không phải chỉ riêng marketing, mà mọi ngành nghề đều cần sự năng động. Nhưng không phải người hướng ngoại thì năng động, còn người hướng nội thì không có sự năng động. Nếu các bạn suy nghĩ như vậy thì các bạn đang hiểu sai sự năng động.

Năng động không phải là trông tràn đầy năng lượng, luôn gặp gỡ nhiều người, tham gia nhiều sự kiện và nói hay. Điểm mấu chốt của sự năng động chính là tính chủ động. Chủ động trong công việc, chủ động trong việc giải quyết vấn đề, chủ động trong việc tìm kiếm tri thức và sự giúp đỡ. Nói chung, năng động chính là sự chủ động trong mọi việc. Vậy nên, năng động hoàn toàn liên quan và phụ thuộc vào tính cách hướng nội hay hướng ngoại.

Giỏi sáng tạo là giỏi marketing

Đây cũng là một quan niệm sai lầm phổ biến. Chúng ta bị ấn tượng bởi những mẫu quảng cáo rất sáng tạo, nên hay nghĩ giỏi sáng tạo là giỏi marketing. Marketing không chỉ cần sáng tạo. Marketing cần nền tảng tư duy tốt, trong đó kết hợp cả tư duy logic, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo. Chỉ sáng tạo không thôi là không đủ, thậm chí trong một số trường hợp nó còn gây tác dụng ngược rất tai hại các bạn à.

Để mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện thực tế thế này. Cách đây vài năm, mình có tham gia một buổi opening day cho sinh viên ngành marketing của một trường đại học. Ban tổ chức, mình không biết là giảng viên hay sinh viên, chắc là sinh viên, lên kịch bản giới thiệu ngành marketing theo kiểu rất “sáng tạo” trong dấu ngoặc kép đó các bạn. Kịch bản là một con ma (nhắc lại với các bạn là một con ma nhe) gặp và chơi thân với một con két, từ đó hình thành nên marketing.

Các bạn biết sao không? Mình xem xong mình chẳng hiểu ai đã nghĩ ra kịch bản đó, và ai đã duyệt kịch bản đó để nó diễn cho trong buổi opening day, vốn dĩ là buổi đầu tiên gặp gỡ các bạn sinh viên mới. Sáng tạo theo kiểu đó nó rất nguy hiểm các bạn. Nó sẽ làm các bạn sinh viên hiểu sai về ngành marketing. Nó sẽ làm cho các bạn sinh viên hiểu marketing theo kiểu “ma cà tưng” như vậy.

Đúng là chúng ta cần tư duy sáng tạo. Nhưng trước đó, chúng ta cần và sẽ phải dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu thị trường, khách hàng và đối thủ.

Giỏi sáng tạo có thể phù hợp hơn ở lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc các bạn rằng. Để quảng cáo được sáng tạo đúng thì trước đó bạn cũng cần phải nghiên cứu về nhu cầu, hành vi và insight của khách hàng.

Trần Trí Dũng