Branding là gì? Khác biệt giữa Branding vs Marketing?
Thương hiệu (brand) định hướng cho các hoạt động marketing. Ngược lại, marketing giúp xây dựng thương hiệu.
Trần Trí Dũng
“Thương hiệu (brand) là gì?”, “Sự khác biệt giữa branding vs marketing là gì?” là những câu hỏi (hay sự bối rối) thường gặp nhất trong kinh doanh.
Tôi chắc chắn rằng, nếu đặt câu hỏi này thì bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nó tùy thuộc vào việc bạn hỏi ai. Bạn hãy cứ thử hỏi câu này với những chuyên gia marketing, các CMOs, Brand managers, người làm PR,… Tôi đảm bảo là bạn sẽ thấy tôi nói đúng: Bạn sẽ nhận được những câu trả lời rất khác nhau!
Hai thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau trong nhiều tình huống dẫn đến ý nghĩa thực sự của chúng đã phần nào bị mất đi. Thật đáng tiếc, bởi vì mặc dù chúng có những điểm chung, nhưng cả hai đều là những khái niệm kinh doanh quan trọng và “riêng biệt”. Vì vậy, hôm nay tôi sẽ giúp các bạn “gỡ rối” những thuật ngữ này!
Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu thương hiệu (brand) và xây dựng thương hiệu (branding) là gì.
Thương hiệu (brand) là gì?
Theo AMA (Hiệp hội Marketing Mỹ) thì thương hiệu là “tên, thuật ngữ, thiết kế, biểu tượng hoặc sự kết hợp của chúng nhằm phân biệt (identify) hàng hóa hoặc dịch vụ của một người bán hoặc một nhóm người bán và để khác biệt (differentiate) chúng với các đối thủ cạnh tranh.”
Tuy nhiên, dựa theo định nghĩa này, các bạn sẽ thấy nó thiên về những thứ hữu hình, có thể nhìn thấy, sờ thấy,… và bỏ qua những khía cạnh vô hình hay mối quan hệ cảm xúc giữa người dùng và thương hiệu.
Thương hiệu gồm, nhưng cũng “vượt xa” những thứ đó!
Thương hiệu là bản sắc và câu chuyện (story) của một công ty, giúp nó nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu (branding) là giành được chỗ đứng trong tâm trí của khách hàng mục tiêu và trở thành lựa chọn ưa thích của họ.
Thương hiệu cũng là một cách hiệu quả để các công ty chuyển tải tầm nhìn (vision) của họ. Thương hiệu sẽ làm rõ công ty đại diện cho cái gì và tại sao. Thương hiệu cũng thể hiện trải nghiệm tổng thể mà một người có được khi tương tác với doanh nghiệp — với tư cách là khách hàng, người theo dõi trên mạng xã hội hay công chúng nói chung.
Ngay nay, các công ty không bán sản phẩm. Họ bán trải nghiệm, cảm xúc, ý tưởng và tầm nhìn. Các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh biết chính xác trải nghiệm mà họ muốn khách hàng có được khi mua hàng. Kiểm soát trải nghiệm mua hàng ở cấp độ này chính là sức mạnh của việc xây dựng thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu (branding) là gì?
Xây dựng thương hiệu (branding) là quá trình tạo ra bản sắc thương hiệu của một công ty. Branding liên quan tới việc tạo ra sự khác biệt. Quá trình này gồm nhiều hoạt động, chứ không chỉ là thiết kế logo, slogan, key visual hay giọng điệu (voice) của thương hiệu.
Tóm lại, xây dựng thương hiệu là quá trình nghiên cứu, phát triển và áp dụng một hoặc một tập hợp các đặc tính khác biệt cho doanh nghiệp để người tiêu dùng có thể liên kết thương hiệu với các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Tiếp theo, chúng ta hãy xem xét những điểm tương đồng và khác biệt giữa branding vs marketing.
Branding vs Marketing
Mặc dù chúng ta có thể dễ dàng kết hợp branding và marketing thành một lĩnh vực, nhưng chúng cũng có chút khác biệt. Chúng ta cũng thường nghe hoặc thấy các bài so sánh giữa branding vs marketing. Bản chất thì cả hai đều cần thiết cho một doanh nghiệp thành công và phải hoạt động hài hòa để doanh nghiệp phát triển.
Nói một cách đơn giản, branding (xây dựng thương hiệu) là bản sắc của một công ty và marketing bao gồm các chiến lược và chiến thuật để đạt được tầm nhìn đó.
Sự khác biệt giữa branding vs marketing
Branding | Marketing |
Phát triển bản sắc cho thương hiệu | Triển khai các chiến dịch để kết nối thương hiệu tới các sản phẩm, tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp |
Xây dựng sự tín nhiệm thông qua các câu chuyện | Xây dựng sự tín nhiệm thông qua các hành động |
Các chiến lược và chiến thuật để hỗ trợ bản sắc và câu chuyện | Các chiến lược và chiến thuật để hỗ trợ các chương trình và sản phẩm |
Câu chuyện về sự tồn tại của công ty | Hỗ trợ xây dựng câu chuyện thương hiệu thông qua những sáng kiến cụ thể |
Tập trung vào việc khách hàng “cảm thấy” (feel) như thế nào về công ty | Tập trung vào việc khách hàng sẽ làm gì với công ty |
Khi một doanh nghiệp phát triển, cả marketing và branding sẽ trở nên phức tạp hơn. Sự tăng trưởng này thường có nghĩa là cả hai lĩnh vực sẽ phát triển các chiến lược và chiến thuật để hỗ trợ các mục tiêu khác nhau. Trong xây dựng thương hiệu (branding), những hành động này thường hỗ trợ câu chuyện và bản sắc của doanh nghiệp. Trong marketing, những hành động này thường mở rộng sản phẩm, khách hàng hoặc các sáng kiến khác của công ty để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu (branding)
Xây dựng thương hiệu (branding) rất quan trọng vì nhiều lý do. Trước tiên, cần khẳng định rằng thương hiệu là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nó mang lại cho doanh nghiệp một bản sắc, làm cho doanh nghiệp trở nên đáng nhớ, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng, gia tăng hiệu quả các hoạt động marketing và quảng cáo, đồng thời mang lại niềm tự hào cho nhân viên của doanh nghiệp.
Cụ thể, một thương hiệu mạnh sẽ có được các ưu thế sau:
Thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng
Thương hiệu có thể là yếu tố quyết định đối với người tiêu dùng khi họ đưa ra quyết định mua hàng. Trên thực tế, một nghiên cứu của Razorfish năm 2021 cho thấy 82% người tiêu dùng mua hàng của những thương hiệu đại diện cho sứ mệnh hoặc mục đích lớn hơn. Khoảng 67% nói rằng những thương hiệu mà họ mua khiến họ trở nên tốt hơn.
Gia tăng hiệu quả quảng cáo và marketing
Việc người dùng nghĩ gì về một doanh nghiệp có tác động lớn lên các hoạt động marketing của doanh nghiệp đó. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp gia tăng hiệu quả của các hoạt động marketing, bất kể đó là việc tung ra một sản phẩm mới, việc điều chỉnh giá bán hay các chương trình truyền thông quảng cáo.
Hỗ trợ đội ngũ bán hàng tốt hơn
Các doanh nghiệp B2B ngày nay gặp khó khăn hơn trong công tác bán hàng. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp gia tăng hiệu quả của đội ngũ bán hàng. Nó giúp tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong việc thuyết phục khách hàng. Nó thúc đẩy các đại lý hay nhà bán lẻ lưu trữ và bày bán sản phẩm của mình.
Gia tăng sự trung thành của khách hàng
Thương hiệu mạnh giúp tạo ra doanh thu lâu dài và ổn định. Khi yêu thích một thương hiệu nào đó, khách hàng sẽ có xu hướng trung thành, tiếp tục mua và sử dụng sản phẩm dịch vụ đó, bất chấp những thay đổi về giá, hay những biến cố kinh tế.
Thu hút và giữ chân nhân tài
Thương hiệu mạnh mang lại niềm tự hào cho nhân viên của bạn. Khi bạn xây dựng thương hiệu cho công ty của mình, bạn không chỉ đưa ra bản sắc doanh nghiệp của mình mà còn tạo ra một nơi làm việc có uy tín, được đánh giá cao. Thương hiệu mạnh mang lại những nhân viên giàu năng lực và nhiệt huyết.
Tạo bản sắc doanh nghiệp của bạn
Thương hiệu vượt ngoài phạm vi của sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Xây dựng thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp của bạn một bản sắc. Nó mang đến cho người tiêu dùng thứ gì đó để liên hệ và kết nối ngoài sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đang thực sự mua.
Là một trong những tài sản có giá trị nhất
Ngày nay, thương hiệu là một trong những tài sản có giá trị nhất (nếu không muốn nói là lớn nhất) của doanh nghiệp. Các bạn hãy xem giá trị thương hiệu của các công ty lớn trên thế giới và Việt Nam thì sẽ rõ thôi mà.
Bài viết tiếp theo sẽ trình bày các bước trong quá trình phát triển chiến lược xây dựng thương hiệu.
Trần Trí Dũng