Big Idea là gì?
Ý tưởng lớn (Big Idea) là gì?
Trước tiên, cần phải “thừa nhận” rằng Ý tưởng lớn (Big Idea) là một khái niệm (concept) và có thể được hiểu khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau.
Trên phạm vị rộng, Ý tưởng lớn (Big Idea) là một từ mang nghĩa nhấn mạnh những lập trường mới, những quan điểm độc nhất vô nhị, những đề xuất độc đáo mà có tiềm năng thay đổi cuộc sống, các ngành công nghiệp hoặc xã hội. Điều quan trọng của ý tưởng lớn (big idea) không chỉ là sự sáng tạo mà còn là khả năng thúc đẩy sự tiến bộ và tạo ra giá trị đối với khách hàng và cộng đồng.
Các ý tưởng lớn (big idea) thường làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Chúng có thể là các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới hoặc những phương pháp, quy trình, hoặc mô hình kinh doanh mới. Ý tưởng lớn (big idea) thường đi kèm với một tầm nhìn rõ ràng và mục tiêu lớn lao, và có thể gây ra sự lan truyền hoặc tác động dài lâu trong xã hội.
Một ví dụ về ý tưởng lớn (big idea) là việc phát minh ra Internet, một khám phá có ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức con người tương tác, làm việc, học tập và giải trí. Ý tưởng lớn (big idea) không chỉ đơn giản là một ý tưởng mới mẻ, mà còn là một yếu tố thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển toàn diện.
Big Idea trong truyền thông quảng cáo là gì?
Trong “phạm vi” của truyền thông quảng cáo, Ý tưởng lớn (Big Idea) thường là một khái niệm, ý tưởng hoặc cụm từ sáng tạo và độc đáo, nhằm tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của khán giả mục tiêu. Ý tưởng lớn (big idea) thường đi kèm với một thông điệp cốt lõi (key message) hoặc một cách tiếp cận sáng tạo để truyền đạt thông điệp của thương hiệu một cách hiệu quả.
Ví dụ, một ý tưởng lớn trong một chiến dịch quảng cáo có thể là một câu chuyện gần gũi, một khái niệm “khác thường”, hoặc một hình ảnh độc đáo, nhằm gửi đi một thông điệp chính xác và nhận được phản ứng tích cực từ khán giả mục tiêu. Ý tưởng lớn (big idea) thường là yếu tố quyết định sự thành công của một chiến dịch, vì nó có thể tạo ra sự khác biệt và tạo ra ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người xem.
Hãy lấy ví dụ về chiến dịch “Share a Coke” của Coca-Cola
Ý tưởng này lần đầu được ra mắt ở Úc, trong bối cảnh thời đại công nghệ số phát triển đã làm thay đổi cách thức con người giao tiếp với nhau. Những bữa tiệc, những cuộc gặp gỡ bên ngoài dần nhường chỗ cho việc giao tiếp và kết bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Twitter, Myspace…).
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nước giải khát đóng chai (soft drink) lại đang cạnh tranh rất gay gắt. Những thức uống có gas từng một thời là “vua của giới trẻ” nay lại không nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ Úc. Theo thống kê, thời điểm đó, 50% giới trẻ ở quốc gia này thậm chí còn chưa uống thử Coca.
Biết được điều này, Coca-Cola muốn tạo ra một chiến dịch để chứng minh thương hiệu lâu đời của mình vẫn thích ứng tốt với thời đại và khuyến khích người dùng tương tác nhiều hơn với thương hiệu cả trên thế giới trực tuyến lẫn ngoài đời thực. Để rồi vào mùa hè năm 2011, một chiến dịch lớn đã ra đời với cái tên “Share a Coke”.
Ý tưởng sáng tạo ở đây là Coca-Cola bắt đầu in hàng trăm cái tên phổ biến nhất ở Australia lên những chai coke để nhắc nhở mọi người về một người bạn mà đã lâu họ không liên lạc, hay thậm chí chỉ là một người bạn mới quen với thông điệp: “Nếu bạn yêu/muốn gặp gỡ/nhớ/thích/lâu rồi chưa gặp [tên người], hãy chia sẻ 1 lon nước ngọt (với cái tên được in trên vỏ chai) với anh ấy”. (Nguyên văn: “If you have a crush on/want to meet/miss/haven’t met [name], share a coke with him”)
Và vượt ngoài sự mong đợi của công ty, khi chiến dịch bắt đầu khởi động, nó đã tạo nên một cơn “địa chấn”, làm sôi sục cả nước Úc, sau đó là cả thế giới vào thời điểm đó và nhiều năm sau này.
Một chiến dịch khác cũng rất thành công là “Just Do It” của Nike. Với câu slogan nổi tiếng “Just Do It”, Nike đã tạo ra một loạt các chiến dịch kêu gọi mọi người vượt qua thách thức và đạt được mục tiêu của họ. Chiến dịch này đã trở thành biểu tượng cho sự động viên, quyết tâm và nỗ lực, giúp tăng doanh số bán hàng và tạo ra một cộng đồng người hâm mộ mạnh mẽ xung quanh thương hiệu.
Các chiến dịch khác có thể kể đến là “Think Different” của Apple, “Dove Real Beauty Sketches” của Dove,…
Tại sao Ý tưởng lớn (Big Idea) lại quan trọng?
Ý tưởng lớn (Big Idea) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự khác biệt và kích thích sự tò mò của khán giả mục tiêu. Nó giúp thương hiệu nổi bật giữa đám đông và tạo ra một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người tiêu dùng. Như đã nói, Ý tưởng lớn là yếu tố quyết định sự không thành công của một chiến dịch.
Cụ thể, một ý tưởng lớn thành công thường mang lại các lợi ích sau:
- Tạo ra sự khác biệt: Trong một thị trường cạnh tranh, ý tưởng lớn (big idea) sáng tạo sẽ giúp thương hiệu nổi bật và tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
- Thu hút sự chú ý: Một chiến dịch quảng cáo sáng tạo có thể thu hút sự chú ý, tạo ra sự lan truyền tự nhiên và gia tăng nhận biết cho thương hiệu.
- Kích thích sự tương tác: Khi một ý tưởng quảng cáo độc đáo và sáng tạo được triển khai, nó thường thu hút sự quan tâm và tương tác từ phía khán giả.
- Tạo động lực mua hàng: Một ý tưởng quảng cáo sáng tạo và thu hút được triển khai thành công có thể kích thích mong muốn mua hàng từ phía khách hàng.
- Xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu: Khi một ý tưởng quảng cáo phản ánh và tôn vinh giá trị cốt lõi của thương hiệu, nó giúp tăng cường nhận thức thương hiệu và tạo ra sự kết nối sâu sắc với khách hàng.
Quá trình phát triển Ý tưởng lớn (Big Idea)
Chúng ta đã hiểu Ý tưởng lớn (big idea) là gì, cũng như vai trò của nó trong marketing. Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là quá trình phát triển Ý tưởng lớn diễn ra như thế nào?
Thông thường, quá trình phát triển ý tưởng lớn (big idea) thường bao gồm các bước sau:
- Nghiên cứu về khách hàng mục tiêu: Đầu tiên, nhóm sáng tạo sẽ tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ khán giả mục tiêu (target audience) của chiến dịch. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn, các thách thức hay điểm đau (pain points), insight (mong muốn ẩn sâu) của khách hàng, cũng như về bối cảnh và xu hướng của thị trường.
- Xác định mục tiêu và thông điệp chính (key message): Nhóm sáng tạo sẽ xác định mục tiêu cụ thể mà họ muốn đạt được với chiến dịch, cũng như các thông điệp chính (key message) mà họ muốn truyền tải. Các thông điệp này phải phản ánh giá trị cốt lõi của thương hiệu và hỗ trợ mục tiêu của chiến dịch.
- Tạo ra các ý tưởng ban đầu: Dựa trên các nghiên cứu và thông điệp đã xác định, nhóm sáng tạo sẽ bắt đầu tạo ra các ý tưởng ban đầu. Các ý tưởng này có thể bao gồm các phương tiện truyền thông, thông điệp, kịch bản hoặc các ý tưởng sáng tạo khác.
- Thảo luận và phát triển: Nhóm sáng tạo sẽ thảo luận và phát triển các ý tưởng ban đầu, thường thông qua các buổi brainstorming. Trong quá trình này, các ý tưởng có thể được sửa đổi, kết hợp hoặc loại bỏ để tạo ra ý tưởng tốt nhất.
- Kiểm tra và đánh giá: Sau khi đã phát triển các ý tưởng chi tiết hơn, nhóm sáng tạo sẽ tiến hành đánh giá để xác định ý tưởng nào hoạt động tốt nhất với khán giả mục tiêu của chiến dịch.
- Chọn lựa ý tưởng lớn: Cuối cùng, nhóm sáng tạo sẽ chọn lựa ý tưởng lớn có tiềm năng nhất để trở thành Big Idea của chiến dịch. Ý tưởng này sẽ trở thành trung tâm của chiến dịch truyền thông và được triển khai trên các phương tiện truyền thông.
Các lưu ý trong quá trình phát triển Ý tưởng lớn
Trong nhiều tình huống, thật khó để phân biệt một ý tưởng nào đó có phải là Big Idea không, hay nó chỉ “trông giống” Big Idea mà thôi. Nếu bạn làm marketing thì chắc hẵn là đã gặp những tình huống như vậy. Chúng ta vẫn thường “tranh luận” điều này với team mình trong các buổi brainstorm hay thậm chí với các khách hàng trong các buổi pitching. Ngoài ra, việc phát triển các Big Idea cũng có thể đi chệch hướng. Vậy nên, sẽ có những lưu ý quan trọng trong quá trình phát triển các Ý tưởng lớn. Dưới đây là một số điều mà đội ngũ sáng tạo cần lưu ý:
- Hiểu rõ khán giả mục tiêu: Việc hiểu rõ khán giả mục tiêu (target audience) của chiến dịch là quan trọng nhất. Điều này bao gồm việc hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, các thách thức hay điểm đau (pain points) và insight (mong muốn ẩn sâu) của họ.
- Phù hợp với thương hiệu: Ý tưởng lớn cần phản ánh và phù hợp với những giá trị cốt lõi và hình ảnh của thương hiệu.
- Tạo ra sự kích thích: Ý tưởng lớn cần phải kích thích sự chú ý và tạo ra sự tò mò từ phía đối tượng mục tiêu. Nó cần phải độc đáo và có sức hấp dẫn để thu hút sự chú ý và tạo ra sự tương tác từ phía khán giả.
- Chia sẻ giá trị thực: Ý tưởng lớn nên mang lại giá trị thực cho khách hàng mục tiêu, thay vì chỉ là một chiến dịch quảng cáo thông thường. Nó cần phản ánh giá trị của thương hiệu và đáp ứng một nhu cầu hoặc mong muốn cụ thể nào đó của khách hàng mục tiêu.
- Có thể triển khai: Đảm bảo rằng ý tưởng lớn có thể được thực thi một cách có hiệu quả. Và cũng cần phải có một kế hoạch chi tiết về các phương tiện truyền thông, thời gian triển khai và cách thực hiện.
- Đánh giá và điều chỉnh: Trong quá trình triển khai, cần tiến hành đánh giá và điều chỉnh dựa trên phản hồi từ khách hàng, cũng như kết quả đạt được. Điều này giúp đảm bảo rằng chiến dịch đang đi đúng hướng và có thể được tối ưu để có hiệu quả tốt nhất.
Những thách thức trong việc phát triển Big Idea
Những người làm sáng tạo đều nhận thấy, ngày nay việc phát triển các Ý tưởng lớn (Big Idea) đang gặp rất nhiều thách thức. Bản thân tôi, cũng cảm nhận được điều này qua các chiến dịch mà chúng tôi triển khai cho các khách hàng của mình. Một vài thách thức có thể kể ra như sau:
- Khả năng sáng tạo: Tìm ra ý tưởng đột phá không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thách thức lớn nhất có thể là khả năng sáng tạo, đặc biệt khi đối mặt với áp lực thời gian. Việc tìm ra ý tưởng mà vẫn giữ được tính độc đáo và khác biệt so với các đối thủ có thể là một thử thách rất lớn.
- Phù hợp với thương hiệu: Ý tưởng lớn (big idea) cần phải phản ánh và phù hợp với giá trị cốt lõi và hình ảnh của thương hiệu. Việc tìm ra ý tưởng lớn mà vẫn giữ được sự nhất quán với thương hiệu là một thách thức không hề nhỏ.
- Ngân sách: Một số ý tưởng lớn (big idea) có thể đòi hỏi sự đầu tư ngân sách lớn. Thách thức này có thể làm cho việc thuyết phục các bên liên quan và đảm bảo nguồn lực cần thiết trở nên khó khăn.
- Hiểu biết về đối tượng mục tiêu: Đôi khi, việc hiểu rõ và kết nối với đối tượng mục tiêu có thể là một thách thức. Nếu nhóm không nắm bắt được nhu cầu, mong muốn, các thách thức hay điểm đau (pain points), insight (mong muốn ẩn sâu) của khách hàng, cũng như về bối cảnh và xu hướng của thị trường, thì việc phát triển ý tưởng lớn (big idea) sẽ gặp nhiều khó khăn.
Như vậy là bạn đã hiểu được Big Idea là gì, vai trò của nó trong marketing, quá trình phát triển Ý tưởng lớn và các lưu ý, cũng như những thách thức thường gặp trong quá trình phát triển ý tưởng lớn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về Big Idea và có nhiều Ý tưởng lớn đóng góp vào sự phát triển chung của ngành marketing nói riêng, và các ngành công nghiệp khác nói chung.
Trần Trí Dũng