Ưu thế của Digital Marketing (1)
Có thể nói Digital Marketing (hay Online Marketing) đang là một xu thế marketing của thời đại. Ngày nay, các doanh nghiệp, từ lớn đến nhỏ đang cố gắng làm digital marketing. Và để có thể hiểu tại sao các doanh nghiệp lại đang đua nhau làm digital marketing, bài viết xin cung cấp một số ưu điểm vượt trội của hình thức marketing này so với marketing truyền thống.
(1) Vấn đề chi phí
Có thể thấy vấn đề này một cách khách quan nếu chúng ta để ý chi phí quảng cáo ở một vài kênh truyền thống và một vài kênh marketing trực tuyến. Bạn biết đấy, chúng ta mất khoảng 65 triệu cho 1 block quảng cáo 30s trên VTV ở những giờ “cao điểm”. Chúng ta cũng mất khoảng ngần ấy tiền cho một trang quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ cho một lần xuất bản. Còn để tài trợ cho các chương trình như The Voice, Vietnam Idol chúng ta mất khoảng 200 – 300 triệu cho 30s xuất hiện ở đó. Đó quả là số tiền lớn!
Thế còn quảng cáo trên các banner truyền thống mà chúng ta thấy ở ngoài đường (bên hong những ngôi nhà có các bức tường cao)? Tất nhiên, tùy theo kích thước và vị trí mà chúng ta muốn đặt. Tuy nhiên, chi phí cũng tầm một đến vài ngàn đô cho một tháng quảng cáo.
Vậy còn các kênh quảng cáo trực tuyến thì sao? Đa phần các kênh đó không tốn tiền, ví dụ như SEO, Facebook Marketing, Youtube. Chỉ một vài kênh quảng cáo có tính phí như Google Adwords, Google Display Network, Facebook Ads. Với Email Marketing thì chúng ta chỉ phải trả chi phí cho việc sử dụng phần mềm hoặc hệ thống để thực hiện email marketing. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có thể kham được các chi phí này, kể cả các doanh nghiệp nhỏ.
Trong digital marketing, cách thức quảng cáo đắt nhất có lẽ là quảng cáo banner trên các website phổ biến. Tuy nhiên, chi phí cho một lần quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ (báo giấy), chúng ta có thể quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ Online được từ 2 tuần cho đến một tháng. Đó quả là một sự khác biệt lớn đúng không?
(2) Tính tương tác
Đây có lẽ là ưu điểm lớn nhất của Digital Marketing so với marketing truyền thống. Để hiểu rõ hơn vấn đề này chúng ta cùng xem qua ví dụ sau. Giã sử chúng ta bán một sản phẩm X nào đó. Chúng ta làm marketing đồng loạt trên các kênh truyền thống, ví dụ như: tivi, radio, báo giấy và các POSM. Sau đó có một khách hàng đến cửa hàng chúng ta mua hàng. Liệu chúng ta có biết họ đến mua do nhìn thấy quảng cáo từ đâu không? Tôi e là không. Thậm chí, đôi khi chúng ta hỏi, họ cũng không nhớ lần đầu tiên họ thấy quảng cáo của mình từ nguồn nào nữa. Chúng ta cũng không thể đếm được liệu có bao nhiêu người xem quảng cáo của chúng ta trên tivi, bao nhiêu người xem mẫu quảng cáo của mình trên báo giấy hoặc các POSM. Chúng ta cũng không biết sau khi họ nhìn thấy quảng cáo, họ sẽ phản ứng ra sao,… Điều đó có nghĩa là tính tương tác giữa các marketers và các khách hàng trong marketing truyền thống là gần như không có, hay còn gọi là tương tác một chiều: các mareketers thường đẩy (push) các thông điệp quảng cáo của mình đến khách hàng mà rất ít biết được các phản hồi. Hoặc nếu muốn biết chúng ta sẽ phải thực hiện các nghiên cứu thị trường tốn kém. Chính vì thế trong marketing truyền thống, gần như các marketers rất khó để có thể đo lường/đánh giá hiệu quả của các kênh quảng cáo.
Thế còn trong digital marketing thì sao? Chúng ta có thể triển khai một chiến dịch quảng cáo tổng thể: đăng banner quảng cáo trên các website phổ biến, thực hiện email marketing, làm SEO, quảng cáo Google Adwords và chạy Facebook Ads,… Và chúng ta hoàn toàn có thể đo lường được có bao nhiêu khách hàng mua hàng trên website của mình từ việc click vào các email quảng cáo, bao nhiêu người click vào các quảng cáo Adwords của Google, bao nhiêu người click vào các quảng cáo trên facebook ads,… Điều này cho chúng ta khả năng đánh giá hiệu quả của các kênh quảng cáo khác nhau, thậm chí cùng kênh quảng cáo nhưng ở những website khác nhau. Ví dụ, chúng ta quảng cáo banner trên 2 website Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được là quảng cáo trên website nào thì hiệu quả hơn.
(3) Tính đa phương tiện
Một ưu điểm nữa của quảng cáo trực tuyến là tính đa phương tiện. Trên các kênh quảng cáo trực tuyến, thông điệp quảng cáo có thể có nhiều dạng khác nhau, từ ảnh màu, ảnh động, âm thành và các video clip. Trong khi đó các kênh quảng cáo truyền thống, trừ quảng cáo trên tivi thì gần như các kênh quảng cáo khác đều bị giới hạn về định dạng của thông điệp quảng cáo.
Một điểm nữa là trong quảng cáo truyền thống, do sự khác biệt về cấu trúc kênh nên gần như chúng ta phải thiết kế những thông điệp quảng cáo với những định dạng khách nhau cho những kênh khác nhau. Nhưng ở quảng cáo trực tuyến, chúng ta có thể sử dụng một thông điệp quảng cáo để chuyển tải trên nhiều kênh khác nhau.
(Còn tiếp)
Trần Trí Dũng