Xây dựng chiến lược marketing dựa trên Google Analytics (phần 1)

Các nhà quản trị luôn đối diện với việc ra các quyết định trong quản lý. Việc này có thể dựa trên kinh nghiệm hoặc phán đoán chủ quan của nhà quản lý. Tuy nhiên, ngày nay với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và khách hàng, việc ra các quyết định dựa theo kinh nghiệm hoặc phán đoán ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Để có cơ sở vững chắc cho việc ra quyết định, những người làm marketing cần những thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường và khách hàng. Điều này dẫn đến sự lên ngôi của lĩnh vực nghiên cứu thị trường.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có ý định đề cập tới lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Bài viết này cung cấp một công cụ vững chắc cho việc cung cấp các thông tin nhằm ra các quyết định marketing trong lĩnh vực marketing trực tuyến. Đó chính là việc tận dụng sức mạnh của Google Analytics, công cụ phân tích khách hàng được cung cấp miễn phí bởi Google. Bài viết này sẽ hữu ích cho mọi đối tượng, từ những người mới bước chân vào lĩnh vực internet marketing cho tới những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này. Chúng tôi nói như thế không phải bởi chúng tôi là tác giả của bài viết này, mà ở việc giúp các nhà quản trị “làm sáng tỏ” những thông tin ẩn chứa trong các báo cáo của Google Analytics và thực hiện các quyết định đúng đắn nhất.

Một điểm lưu ý nữa là, bài viết chỉ tập trung phân tích và “làm sáng tỏ” những thông tin quan trọng cần cho các nhà quản trị marketing, mà không đề cấp đến việc cài đặt ứng dụng này, cũng như việc phân tích mọi thông số có trong báo cáo của Google Analytics. Nếu độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể tham gia các lớp học tại Công ty Cổ phần WMS.

Tham số Bounce Rate

Đây là một tham số quan trọng trong lĩnh vực marketing trực tuyến. Bounce Rate hay còn gọi là Tỷ lệ thoát, được tính dựa trên số lượt truy cập (session) mà chỉ xem duy nhất một trang (page) trên tổng số lượt truy cập vào website của bạn. Chúng ta sẽ kỳ vọng tham số này thấp, càng thấp càng tốt. Vì khi tham số này cao có nghĩa là nhiều người vào website của bạn mà không click thêm bất kỳ một trang nào đó khác. Khi tham số này cao, website của bạn có thể gặp phải một số vấn đề như: khách hàng nghĩ rằng website của các bạn không có thông tin họ tìm, quảng bá (hoặc làm SEO) tốt nhưng sản phẩm hoặc nội dung nghèo nàn, hoặc tốc độ load website chậm,…

google analytics

Trang tổng quan của Google Analytics

Vậy nên khi quan sát website của mình mà thấy Bounce Rate cao, bạn hãy tự hỏi rằng. Chúng ta có đang trong chương trình quảng cáo nào không? Chúng ta có đang chạy facebook ads hay google adwords gì không? Nếu có thì có thể tạm chấp nhận, vì vốn dĩ người dùng xem quảng cáo sẽ ít có xu hướng xem tiếp những thông tin khác. Còn nếu công ty bạn đang trong trạng thái bình thường mà tham số bounce rate này cao thì nên kiểm tra lại những vấn đề ở trên.

Thông tin về Tuổi và Giới tính

Còn ao ước gì hơn với người làm marketing khi chúng ta biết được đầy đủ thông tin về nhân khẩu học và hành vi của khách hàng. Nó vốn là cơ sở và nền tảng cho việc ra các quyết định marketing mà. Bên dưới là thông tin về Tuổi và Giới tính mà Google Analytics thu thập được. Đây là thông tin cung cấp cơ sở cho việc xây dựng nội dung (bài viết, hình ảnh, video,…) cho website của bạn.

google analytics

Thông tin về Độ tuổi và Giới tính của người dùng

Thông tin về Ngôn ngữ (Language) và Khu vực địa lý (Location)

Google Analytics có khả năng xác định được ngôn ngữ cũng như vị trí của người dùng khi họ vào website của bạn. Bên dưới là ví dụ về thông tin ngôn ngữ của khách hàng khi vào website www.wms.vn

google analytics

Thông tin về Ngôn ngữ của người dùng

Bạn thấy đó, giả định tôi là người điều hành công ty, sau khi xem báo cáo này, tôi có thể đặt ra cho mình câu hỏi: “Liệu chúng ta có nên trang bị thêm tiếng Nga?” trên website của mình không khi mà có một lượng lớn những người Nga đang truy cập vào website của mình?

Hoặc khi kết hợp thêm thông tin về vị trí của người dùng, chúng ta có thể đặt thêm câu hỏi là: “Liệu có nên “mở thị trường” ở Nga không?” khi mà có một lượng lớn người dùng (khách hàng tiềm năng) của chúng ta đang ở Nga?

google analytics

Thông tin về vị trí (location) của khách hàng

Tất nhiên, để ra các quyết định chúng ta cần thêm những thông tin khác nữa. Nhưng rõ ràng việc Google Analytics cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá này để có những ý tưởng trong chiến lược marketing của mình đã rất tuyệt vời đúng không nào?

Tham số Benchmarking

Có một điều mà các nhà quản trị luôn phải tự hỏi là liệu chúng ta đang ở đâu nếu so với các đối thủ cạnh tranh? Chúng ta đang làm tốt hơn hay tệ hơn họ? Đâu là những công ty mà chúng ta nên xem là “chuẩn mực” để học theo (benchmarking). Các bạn đừng lo, Goolge Analytics sẽ giúp các bạn làm điều đó.

google analytics

Thông tin về các tham số cần benchmarketing

Hình bên trên cho chúng ta khả năng so sánh trên từng kênh và từng tham số trên website của mình và các “chuẩn mực” mà chúng ta cần để so sánh. Một điểm nữa là các “chuẩn mực” này chúng ta cũng có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể lựa chọn dựa trên các tiêu chí như cùng lĩnh vực kinh doanh, cùng quy mô, hoạt động trong nước hay toàn cầu.

Thông tin về Acquisition/Channels (“nơi dẫn khách hàng” đến website của bạn)

Bên dưới là báo cáo về các kênh mà từ đó dẫn khách hàng đến website của các bạn. Một số kênh có thể kể ra như sau:

google analytics

Thông tin về nguồn lưu lượng đến website

  • Referral: Là việc khách hàng vào một website nào đó và click vào liên kết (hoặc banner) dẫn về website của bạn. Bạn có thể click vào mục Referral để biết cụ thể khách hàng click vào website nào để sau đó đến website của bạn. Đây cũng cho chúng ta thông tin để đánh giá chúng ta quảng cáo online trên trang nào hiệu quả hơn trong trường hợp chúng ta quảng cáo online trên đồng loạt nhiều trang.
  • Social: Cung cấp thông tin những mạng xã hội mà từ đó khách hàng sẽ truy cập vào website của bạn thông qua việc click bài viết của bạn trên đó.
  • Organic Search: Cung cấp thông tin về việc số lượng truy cập (session) đến website của bạn thông qua việc tìm kiếm.
  • Paid Search: Cung cấp thông tin về khách hàng đến website của bạn thông qua các quảng cáo có phí, ví dụ như quảng cáo của Google Ads.
  • Direct: Cung cấp thông tin khách hàng đến website của bạn bằng việc gõ trực tiếp địa chỉ website của bạn lên trình duyệt web.
  • Other: Cung cấp thông tin về “nơi dẫn khách hàng” vào website của các bạn từ những nguồn khác, ví dụ như zalo, viber,…

Tất nhiên, ở đây trong từng mục sẽ cung cấp thêm những thông tin chi tiết nữa. Vậy nên, báo cáo này có thể cho các bạn cái nhìn về những kênh (channels) quan trọng, nhưng kênh mà các bạn thu hút được nhiều người dùng. Báo cáo này cũng cho các bạn khả năng đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo mà chúng ta đã bỏ tiền ra để thực hiện.

Tham số %Exit (tỷ lệ thoát trang)

Tham số này được tính bằng tỷ lệ exit (thoát) trên tổng số lần xem (view) của một trang (page) nào đó. Vậy nên tham số này thể hiện mức độ tốt/xấu (hoặc hay/dỡ) của nội dung của một trang.

google analytics

Thông tin về tỷ lệ thoát trang (%Exit)

Nếu tham số này cao, nghĩa là trang đó đang có vấn đề về mặt nội dung. Bạn thử nghĩ xem, nếu %Exit cao có nghĩa là số lần khách hàng thoát (đóng website) trên trang đó cao. Vậy có nghĩa là trang đó có vấn đề. Tất nhiên, trừ trường hợp trang đó là trang cuối của một quá trình gì đó, ví dụ như mua hàng hoặc đăng ký thành viên.

(Còn tiếp)

Trần Trí Dũng