Chuyển đổi số là gì và bắt đầu từ đâu?
Có một câu hỏi liên quan tới chủ đề chuyển đổi số (Digital Transformation – DX) mà tôi thường nghe, đó là: “Nếu một công ty chưa từng chuyển đổi số, thì nên bắt đầu từ đâu?”
Có khá nhiều cách hiểu về chuyển đổi số, nhưng theo David L. Rogers – tác giả bộ sách Chuyển đổi số nổi tiếng – thì “Chuyển đổi số là chuyển đổi một doanh nghiệp đã trưởng thành nhằm phát triển mạnh mẽ trong một thế giới kỹ thuật số thay đổi không ngừng.”
Nhìn vào định nghĩa ở trên, các bạn sẽ thấy các điểm mấu chốt ở đây là “thay đổi” + “doanh nghiệp hiện tại” + “để thích nghi và phát triển” + “trong thời đại ngày nay” (vấn đề là thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ số và mọi thứ thay đổi nhanh chóng).

Vậy nên, chuyển đổi số bắt đầu từ việc thay đổi tư duy (hay cách nghĩ), chứ không phải là công cụ. Nói cách khác, chuyển đổi số “hướng về” kinh doanh, chứ không phải công nghệ, dù công nghệ là nền tảng và không thể thiếu trong hành trình này. Vậy nên, chuyển đổi số bắt đầu từ việc tái tư duy lại về mọi thứ, nhưng 5 thứ chủ yếu – thường được gọi là 5 khía cạnh của chuyển đổi số – đó là: (1) khách hàng (đặc điểm và hành vi), (2) các giá trị mà chúng ta sẽ mang đến cho khách hàng, (3) việc cạnh tranh (đối thủ là ai, khung cạnh tranh, và mô hình,…), (4) tầm quan trọng của dữ liệu, và (5) về vấn đề đổi mới sáng tạo (innovation).
Và một khi đã tư duy “lại”, chúng ta sẽ thấy mọi thứ bây giờ rất khác (và thay đổi rất nhanh), ít nhất là so với thời đại chưa có công nghệ số. Và do mọi thứ rất khác, nên chúng ta cần tư duy và hành động khác. Và để hành động khác (và đạt hiệu quả cao), chúng ta cần công nghệ, công cụ,… Vậy nên, mỗi phương diện trong số 5 phương diện ở trên, có thể chúng ta sẽ cần những công nghệ, nền tảng hay công cụ khác nhau. Ví dụ, nếu chúng ta tư duy “lại” rằng bây giờ khách hàng rất khác so với trước đây. Khách hàng rất chủ động, thông minh, đòi hỏi cao (nhu cầu cá nhân hóa, trải nghiệm liền mạch,…), hành vi mua hàng phức tạp,… thì chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc triển khai đa kênh (omnichannel), xây dựng hệ thống CRM, chatbot,… để kết nối và chăm sóc khách hàng. Thực tế, cũng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu hành trình chuyển đổi số từ đây, tức triển khai marketing online đa kênh, xây dựng hệ thống CRM, sử dụng chatbot,… Và cũng tương tự vậy cho các khía cạnh còn lại trong chuyển đổi số.
Ví von thì chuyển đổi số (digital transformation) cũng tương tự việc re-branding (tái định vị/tái xây dựng thương hiệu) trong marketing. Tại sao cần phải tái định vị? Vì mọi thứ bây giờ rất khác so với trước đây, nên những tư duy và cách thức cũ không còn phù hợp. Vậy nên, cần một cách nghĩ, cách tiếp cận khác và những công cụ mới để phù hợp hơn với bối cảnh ngày nay.
Cũng cần lưu ý là chuyển đổi số (Digital Transformation) không phải hoặc không chỉ là số hóa (Digitalization). Số hóa là việc chuyển dữ liệu từ dạng vật lý sang dạng số (ví dụ scan tài liệu giấy thành file PDF). Chuyển đổi số là một quá trình lớn hơn, bao gồm cả số hóa, nhưng sâu hơn là tái cấu trúc quy trình, mô hình kinh doanh, và văn hóa doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số.
P/S: Đây là series bài viết về Chuyển đổi số (Digital Transformation – DX). Mời các bạn đón xem những bài viết tiếp theo trên website của chúng tôi.
Trần Trí Dũng